0908.488.493 - 0933.458.485

Ai cũng biết chúng ta phải tiết kiệm. Nhưng mục đích là để làm gì? Dưới đây là 9 thứ bạn nên đặt làm mục tiêu tiết kiệm, phòng hờ trường hợp cần thiết. Biết được bạn cần tiền cho việc gì sẽ càng giúp bạn dành dụm đươc dễ dàng hơn.


1. Trả nợ ngân hàng

Không ai muốn phải ngập chìm trong nợ nần dai dẳng. Tuy là thẻ tín dụng chỉ để dành trong những trường hợp khẩn cấp, nhưng vì quá dễ dàng để sử dụng, lại tạm thời không cần dùng đến tiền “thật” của mình nên bạn dần mất đi cảnh giác. Và bạn cứ thế mà quẹt thẻ, cho đến khi nhận ra rằng mình không thể chi trả hết số dư nợ vào cuối tháng. Thật ra điều này cũng chẳng sao – thẻ tín dụng sinh ra là có mục đích như vậy mà! Tuy nhiên, bạn chớ để số nợ của mình tích lũy càng lúc càng nhiều. Thời gian và lãi suất sẽ khiến cho số nợ của bạn tăng vọt và dường như khó có thể trả dứt hết. Do đó, hãy cố gắng trả dần hàng tháng, và trả nhiều hơn số phải trả tối thiểu nếu có thể để nhanh chóng chấm dứt nợ cũng như để giảm bớt tiền lãi vào tháng sau.


Trả nợ, trả góp ngân hàng

2. Chi phí y tế khẩn cấp

Bạn nghĩ rằng mình còn trẻ, sức khỏe dồi dào, chẳng lo bệnh tật? Thế nhưng có ai đoán trước được khi nào một cơn ốm có thể quật ngã mình ngay tức thì, một tai nạn xe cộ xui rủi ập đến, hay một căn bệnh âm thầm quái ác đang hoành hành trong cơ thể ta? Tất cả những tai nạn, sự cố không may mắn này đều cần có một khoản chi phí dự phòng để trang trải cho các loại tiền thuốc men, viện phí, nghỉ dưỡng…

3. Khi thất nghiệp

Các chuyên gia tài chính khuyên rằng bạn nên cố gắng dành dụm tiền để có thể sống từ 3-6 tháng trong trường hợp thất nghiệp. Hãy ngồi lại tính toán xem mỗi tháng trung bình bạn cần chi tiêu bao nhiêu, nhân lên 6 lần và bạn biết số tiền mà mình cần đạt được. Bạn đã để dành được tới đâu rồi? Càng có dư dả tiền bạc để sống sót qua những ngày không có việc làm, bạn càng có thêm nhiều thời gian hơn để cân nhắc và chọn cho mình được một công việc thích hợp nhất mà không phải băn khoăn hay căng thẳng về tài chính. Đây là một khoản tiền tiết kiệm vô cùng chính đáng và hợp lí.

4. Khi về hưu

Bạn chỉ mới 20 hay 30 tuổi mà nghĩ về chuyện về hưu có phải là quá xa không? Trên thực tế, chẳng bao giờ là quá sớm để bạn chuẩn bị cho những ngày an dưỡng tuổi già của mình cả. Hãy nghĩ mà xem, đó là một khoản tiền dành dụm để bảo đảm cho cuộc sống sau này của bạn thoải mái hơn và không bị lệ thuộc vào bất cứ ai, gia đình, con cái hay những chế độ trợ cấp xã hội.

5. Mua xe

Dù là xe máy hay xe hơi thì bạn cũng có lựa chọn mua trả góp. Bạn không phải chi trả toàn bộ số tiền mà chỉ trả một phần và bắt đầu trả dần hàng tháng số còn lại. Do vậy, chí ít là bạn cũng phải có sẵn một số tiền dành dụm ban đầu và cả kế hoạch để thanh toán phần nợ và lãi phát sinh trong những tháng kế tiếp.

6. Mua nhà

Trước sau gì thì cũng đến lúc bạn cần có một căn nhà, một tổ ấm và cũng là tài sản riêng của mình thay vì cứ phải vật lộn với việc kiếm nhà, ở nhà thuê và chuyển nhà vài năm một lần. Tất nhiên bạn cũng không hẳn phải trả tiền nhà một lần nhưng chắc chắn phải cần một số tiền nhất định để trả trước một khoản, cũng như có khả năng tiết kiệm và thu nhập tương đối để có đủ điều kiện vay nợ ngân hàng.

7. Bảo hiểm, bảo trì nhà cửa, xe cộ

Một khi bạn đã có trong tay cả xe, cả nhà, bạn sẽ thấy hàng tháng có rất nhiều thứ chi phí phát sinh thêm. Chẳng hạn như các loại bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, các loại thuế, các chi phí sinh hoạt điện nước kèm theo những chi phí để sửa chữa, bảo trì… Và bạn chắc chắn luôn phải cần có một khoản dự phòng trong trường hợp cái máy bơm bị hư cần thay mới, khi trần nhà bị dột hay lúc những lúc chiếc xe lại trở chứng.

8. Đầu tư nhà đất

Tài sản nhà đất là một hướng tuyệt vời nếu bạn muốn đầu tư. Từ chung cư cho đến nhà mặt đất, nhu cầu thuê mướn nhà là không bao giờ thiếu. Nếu có ít tiền, bạn có thể vay ngân hàng nốt số tiền để trả góp mua nhà. Số tiền cho thuê cũng có thể chi trả được tiền nợ hàng tháng mà bạn phải trả cho ngân hàng đấy. Đối với việc cho thuê nhà bạn cũng cần phải sàng lọc khách cẩn thận để chắc rằng họ không làm hư hại tài sản của bạn. Những hư hỏng, sửa chữa trong nhà thường là trách nhiệm của chủ nhà phải lo, cho nên nếu bạn khéo léo tăng lên tiền nhà một chút ít thay cho tiền bảo trì, bạn sẽ có lợi nhuận khá tốt!

Đầu tư nhà đất: mua nhà, căn hộ chung cư trả góp giá rẻ

9. Chăm sóc người lớn tuổi trong gia đình

Có lẽ sẽ đến lúc chúng ta phải chăm sóc cho những người lớn tuổi trong gia đình như bố mẹ, ông bà và có thể là những người họ hàng thân thuộc. Các chi phí này có thể bao gồm tiền sinh hoạt, thuốc men, người chăm sóc hoặc chi phí cho bệnh viện, viện dưỡng lão… Vì thế, nếu như có sẵn một khoản tiền dự trù, bạn sẽ đỡ rất nhiều gánh lo và căng thẳng trong vấn đề tài chính.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Lên Trên! Xuống Dưới!